Kinh tế
Đăng ngày: 20/02/2024 - Lượt xem: 268
Tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục về đất đai

Chia sẻ về quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai, ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hoàng Anh (thị trấn Văn Giang, Văn Giang) cho biết: Doanh nghiệp khi bắt tay vào sản xuất, kinh doanh đều cần có mặt bằng. Dự án của doanh nghiệp chúng tôi đầu tư vào địa bàn thị trấn Văn Giang đầu năm 2023, đến nay đã đi vào hoạt động. Thuận lợi lớn là sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương trong thực hiện các thủ tục về đất đai.


Hiện nay, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường được tiếp nhận và nhập cơ sở dữ liệu trên phần mềm  một cửa điện tử của tỉnh. Người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên phần mềm, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ, nhận kết quả trên phần mềm hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Sở đã thực hiện dịch vụ công mức độ 3 đối với 43 thủ tục hành chính (53,1%), mức độ 4 đối với 38 thủ tục hành chính (46,9%). Người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin liên quan đến thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại cổng thông tin điện tử của sở và các kênh thông tin về dịch vụ công của tỉnh.
Nhiều thủ tục về đất đai đã được đơn giản, rút gọn như thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời với điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giảm từ 30 ngày xuống còn 15 ngày; thủ tục điều chỉnh thời hạn thuê đất đã được thực hiện giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày; thủ tục giao đất, thuê đất giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày… Qua đó giúp các nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận thủ tục đất đai, sớm có mặt bằng để triển khai dự án.
Người dân thực hiện thủ tục về đất đai tại huyện Tiên lữ
Ngày 5/7/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở; điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất; xử lý một số trường hợp cụ thể khi cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo đó, nhiều thủ tục về đất đai đã được cụ thể hoá, tạo thuận lợi cho người dân. Như đối với hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn thuộc các xã theo quy định tại khoản 2 Điều 143 Luật Đất đai, đối với các vị trí đất ven quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, mặt đường phố, mặt phố, ven chợ là 120 mét vuông; các vị trí còn lại là 200 mét vuông. Hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại các phường, thị trấn theo quy định tại khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai, đối với các vị trí đất ven quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, mặt đường phố, mặt phố, ven chợ là 100 mét vuông; các vị trí còn lại là 200 mét vuông. Cùng với đó, quy định cụ thể về hạn mức công nhận diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 1/7/2004; xử lý một số trường hợp cụ thể khi cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là giấy chứng nhận) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh…
Bà Lê Thị Ngà, người dân xã Đoàn Đào (Phù Cừ) cho biết: Gia đình tôi quan tâm tới thủ tục tách thửa và hợp thửa đất. Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 5/7/2023 của UBND tỉnh quy định khá chi tiết các nội dung này, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục.
Theo Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 5/7/2023 của UBND tỉnh, việc tách thửa, hợp thửa các loại đất được thực hiện đối với thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận hoặc trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, phân chia quyền sử dụng đất của Tòa án mà thửa đất đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận, còn trong thời hạn sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
Tỉnh cũng khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn và sử dụng cho kinh tế trang trại theo quy định tại Điều 142 Luật Đất đai; hạn chế việc chia tách manh mún đất nông nghiệp làm giảm hiệu quả sử dụng đất.
Đồng chí Bùi Xuân Hậu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các huyện, thị xã, thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sớm bàn giao cho các nhà đầu tư. Đồng thời tích cực rà soát để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các thủ tục hành chính về đất đai không còn phù hợp, ban hành văn bản bám sát nội dung các văn bản của cấp trên, cụ thể hoá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
                                                                                                                              Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan