Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Kết quả trên đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, Đảng ta đánh giá, công tác này vẫn là sự thách thức lớn cho công cuộc phát triển đất nước, đã và đang diễn ra hết sức cam go quyết liệt với sự mong chờ ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đảng ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương trong sạch, liêm chính, vững mạnh. Tập trung làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cung cấp hệ thống cơ sở lý luận-thực tiễn quan trọng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Với tác phẩm trên, Tổng Bí thư đã có góc nhìn rất khách quan và toàn diện về tình trạng tham nhũng và chỉ rõ đây là căn bệnh đồng hành và tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị, không chỉ có ở chế độ một đảng duy nhất cầm quyền như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây cũng chính là định hướng quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xác định phương châm kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thiết nghĩ, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả đòi hỏi sự quán triệt ngày càng sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực này. Tổng kết thực tiễn gắn liền nghiên cứu lý luận. Đồng thời, chúng ta coi trọng kế thừa bài học kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc này đồng bộ trên các “mũi, hướng” chủ yếu.
Đó là: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; công tác điều tra, truy tố, xét xử quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; công tác cán bộ; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thông tin tuyên truyền, giáo dục về lĩnh vực này cần được đổi mới, tăng cường; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy ngày càng hiệu quả...
Nguồn: https://nhandan.vn