Huyện ủy Kim Động
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 623
Một số trận càn lớn của thực dân Pháp ở Hưng Yên thời kỳ 1949-1954 (phần II)

Sau chiến dịch Hòa Bình, bị thua đau, thực dân Pháp rút quân về Xa Lăng và tiến hành nhiều trận càn lớn vào đồng bằng Bắc Bộ nhằm cứu vãn tình thế cuộc chiến.

3. Trận càn Lạc Đà (5-1952)

Sau chiến dịch Hòa Bình, bị thua đau, thực dân Pháp rút quân về Xa Lăng và tiến hành nhiều trận càn lớn vào đồng bằng Bắc Bộ nhằm cứu vãn tình thế cuộc chiến. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5-1952, Pháp đã tiến hành 6 trận càn lớn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó đáng chú ý nhất là trận càn “Lạc Đà” (Dromadaire) đánh nam Hưng Yên, nam Hải Dương từ ngày 23-4 đến ngày 14-5-1952 và tái càn Hưng Yên đến hết tháng 5-1952.
Đánh vào “căn cứ chính của Mặt trận Tả Ngạn” là mục tiêu chính nên thực dân Pháp đã chuẩn bị rất công phu cho chiến dịch này. Ngay từ đầu tháng 4-1952, Pháp đã đưa GM5 về chiếm lĩnh địa bàn Bắc Hưng Yên và tiến hành sửa chữa đường. Dấu hiệu này cho thấy một cuộc tiến công quy mô lớn bằng cơ giới sẽ được diễn ra.
Để mở màn cho chiến dịch, ngày 3-4-1952, địch tiến hành cuộc hành quân Con Cá (Poisson) vào Bắc Khoái Châu với tính chất tham dò và cho máy bay thám thính khu vục phía nam tỉnh. Ngày 23-4-1952, địch chính thức triển khai chiến dịch Lạc Đà.
Trận càn này có không gian rất rộng, trải dài từ đường 5 tới sông Luộc (với 13 huyện của Hưng Yên) và 5 huyện tây nam Hải Dương. Trọng điểm sẽ là khu du kích ba huyện Phù Cừ, Tiên Lữ (Hưng Yên) và Thanh Miện (Hải Dương).
Lực lượng địch sử dụng trong trận càn này bao gồm 5 binh đoàn cơ động chiến lược (5GM là 1, 2, 3, 5, 7), 4 tiểu đoàn dự bị chiến lược và một số đại đội biệt kích, 2 tiểu đoàn chiến xa với 650 xe các loại, 1 thủy đội được tăng cường 4 tàu chiến với 15 canô, 1 tiểu đoàn công binh, 4 cụm pháo hỗn hợp với 48 khẩu, máy bay xuất kích mỗi ngày từ 40 đến 50 lần chiếc. Điểm mới trong chiến dịch này là địch sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật thông tin vừa đảm bảo liên lạc vừa để dò bắt các làn sóng vô tuyến điện tìm sở chỉ huy của bộ đội chủ lực ta.
Thủ đoạn chiến dịch của địch trong chiến dịch này là triệt để tận dụng phương tiện và lực lượng cơ động bao vây rộng và chặt khu vực hành quân, không cho bộ đội thoát vây, rồi chia nhỏ địa bàn, nhanh chóng bao vây thành từng khu vực. Khi phát hiện thấy bộ đội của ta ở đâu thì sử dụng chiến xa vây bọc, ném bom, bắn pháo rồi mới cho bộ binh xung phong. Với chiến thuật vừa đánh từng khu vực nhỏ vừa có hợp điểm lớn nhằm cất vó đối phương và vét bắt thanh niên đưa vào lính.
Sau chiến dịch Trái Chanh (9-1951), đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất cả về không gian, thời gian, lực lượng và phương tiện chiến tranh. Mục tiêu của chiến dịch này là tìm diệt bộ đội, phá căn cứ du kích Bắc sông Luộc, triệt phá tiềm lực kháng chiến của ta, giải tỏa bớt sức ép cho Hà Nội – Hải Phòng, chủ động ngăn chặn ta tiến công lớn vào đồng bằng Bắc Bộ.
Về phía ta, do được chuẩn bị từ trước, các địa phương, đơn vị đã chủ động chống càn. Bộ Tư lệnh Tả ngạn mới được thành lập đã kịp thời chỉ đạo chặt chẽ. Tỉnh ủy chỉ thị cho các huyện thấy rõ tính chất quyết liệt của cuộc càn này, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội đã được lệnh phân tán về thôn xã chuẩn bị chống càn; có kế hoạch cho nhân dân sơ tán, cất giấu của cải, tạm thời tản cư để tránh thiệt hại. Cùng với Tiểu đoàn 352, Đại đội 176 độc lập của tỉnh, 8 đại đội huyện và du kích các địa phương chuẩn bị chống càn, lực lượng chủ lực lúc đó có 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 42 (các Tiểu đoàn 664, 648 và 698) và Trung đoàn 52 (Đại đoàn 320) hoạt động độc lập dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy Mặt trận Tả Ngạn.
Khi địch triển khai càn đợt 1, quân dân trong tỉnh đã phối hợp hoạt động nhịp nhàng, đều khắp và có hiệu quả.
Đêm 22 rạng ngày 23-4-1952, Đại đội 27 đánh sập cầu Lực Điền, cản trở vận chuyển cơ giới của địch, bắt toàn bộ quân địch đóng giữ đầu cầu phía bắc.
Ở hướng đi Phù Cừ, Trung đoàn 52 (Đại đoàn 320) diệt 1 đại đội ở Thọ Lão và 1 đại đội địch tại Quán Đỏ, sau đó tiến ra đường 39B, cùng Đại đội 22 phục kích tại Phượng Tường (Tiên Lữ) diệt 9 xe chở lính. Một bộ phận của Trung đoàn 52 tiến ra đường 39A,  phục kích diệt 1 trung đội địch tại Tân Cầu (Kim Động).
Ngày 27-4-1952, Đại đội Khoái Châu chống càn tại Phú Nham, đánh quần lộn từng căn nhà, diệt 16 tên, hàng chục tên bị thương; Đại đội 20 đánh càn tại Ngọc Nha (Khoái Châu) diệt 1 trung đội địch. Ngày 5-5-1952, Đại đội 22 chống càn tại Cộng Vũ (Kim Động) diệy 1 trung đội địch.
Ngày 7-5-1952, Tiểu đoàn 664 đánh mìn trên đường 39, phá hủy 1 xe, phá hòng 3 xe, diệt 70 tên của GM5. Cùng ngày, Đại đội 22, bộ đội huyện Ân Thi và du kích chống đánh địch tại Du Mỹ, diệt 70 tên. Đến đêm ngày 7-5-1952, nhận được tin báo địch đang tập kết chuẩn bị đội hình chuyển sang càn đợt hai tậi ấp Từ Tây của du kích xã Quang Phục (Yên Mỹ), Đại đội 27 đã chủ động tấn công địch từ các phía, diệt 30 tên, hàng chục tên bị thương khiến binh lính địch hoang mang tư tưởng, rối loạn đội hình. Trận đánh này thể hiện sự nhạy bén, nhanh nhạy của bộ đội ta với tình hình chiến sự đang diễn ra.
Ở các nơi khác, địch đối phó rất chật vật trước mìn, chông, cạm, bẫy và cách đánh du kích của ta từ làng này sang làng khác, nổi bật là cụm chiến đấu tại các làng Phan Xá – Tống Xá, Hoàng Tranh – Quế Ải (Phù Cừ); Giai Lệ - Phí Xá (Tiên Lữ); Phùng Hưng – Thuần Hưng (Khoái Châu)…
Sang đợt 2, địch chủ yếu càn khu vực tây nam Hải Dương. Trên địa bàn Hưng Yên địch vẫn tiến hành càn quét dồn ta vào khu “cất vó”. Ngày 12 và 13-5-1952, bốn binh đoàn cơ động địch tiến vào “hợp điểm” của chiến dịch Lạc Đà tại khu vực Đa Lộc – Từ Ô – Tòng Hóa, ven sông Cửu An và sông Neo. “Điểm” của chiến dịch Lạc Đà đã “hợp”, nhưng địch không “cất” được cái gì vào “vó”.  Thất bại trong hai đợt càn, không bắt được bộ đội ta, địch quay sang triển khai đợt càn thứ 3 để tiếp tục truy kích bộ đội ta đã luồn càn sang hướng khác.
Ngày 14-5-1952, Đại đội 22 chống càn ở Cống Vũ (Kim Động), Đại đội 27 phục kích ở Nhạn Tháp. Ngày 15-5-1952, Đại đội 176 chống càn ở Bắc Cả, bộ đội Ân Thi đánh địch ở Đanh Xá. Cùng ngày, Đại đội 22 phối hợp với Tiểu đoàn 664 chống càn ở Ngọc Nha diệt gần 3 đại đội địch. Ngày 16-5-1952, chống càn ở Bình Hồ (Ân Thi) diệt 2 trung đội địch, bắn rơi 1 máy bay thám thính Moral. Ngày 17-5-1952, bộ đội Phù Cừ phối hợp với chủ lực chống càn liên hoàn tại khi Thọ Lão. Ngày 24-5-1952, ta chống càn thắng lớn ở Kim Quan (Khoái Châu). Du kích các xã ven đường 39 và đê sông Hồng liên tục đánh mìn diệt nhiều xe và binh lính địch.
Trong trận càn này, địch ra sức tàn phá, bắn, giết, cướp bóc, hãm hiếp nhằm làm cho nhân dân ta hoang mang về tinh thần, kiệt quệ về kinh tế. Gần 2000 người bị chết và bắt, hàng trăm làng bị đốt cháy.
Lần đầu tiên trong chống càn ta kết hợp nội ngoại tuyến có kết quả cao. Tuy có bị thiệt hại lớn về người và của song cơ bản đã đánh bại được ý đồ và mục tiêu của địch trong trận càn này.
Kết thúc trận càn “Lạc Đà”, Tỉnh ủy đã họp Hội nghị mở rộng để kiểm điểm rút kinh nghiệm các mặt; phân tích những thuận lợi, khó khăn của ta và địch; đề ra những nhiệm vụ trước mắt cần phải làm ngay.
Cùng với niềm vui chống càn thắng lợi trên các địa phương, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua yêu nước và cán bộ gương mẫu toàn quốc (tháng 5-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Tỉnh đội Hưng Yên lá cờ thêu 8 chữ “Đoàn kết nhân dân, đánh thắng giặc Pháp”. Đây là vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh ta. Chiến thắng này đã đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong chỉ đạo và điều hành chiến tranh nhân dân ở địa phương.

Còn nữa

Hoàng Thị Thanh Thúy – P.Lịch sử Đảng – BTGTU Hưng Yên

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập 1 (1929-1954)” và cuốn “Hưng Yên lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)”

Tin liên quan