Tin tức Quốc phòng - An Ninh huyện Kim Động
Đăng ngày: 27/03/2024 - Lượt xem: 247
Huyện Kim Động - Phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy

Sáng ngày 15.3, tại Nhà văn hóa huyện, UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Chuyển hoá xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không có ma túy, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện thí điểm chuyển hoá, xây dựng địa bàn huyện Kim Động không có ma túy” năm 2024.

Dự Hội nghị có đ.c Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo phòng chuyên môn Cục C04 Bộ Công an. Cùng dự có các đ.c Lãnh đạo một số Sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh. Dự Hội nghị về phía huyện nhà có đ.c Phạm Thái Sơn - TUV, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đ.c Nguyễn Chi Hội - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy; đ.c Bùi Văn Phúc - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đ.c trong BTV Huyện ủy; Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND; các đ.c trong BCH Đảng bộ Huyện khóa 23; Trưởng các phòng, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị xã hội huyện. Lãnh đạo Công an một số huyện, thành phố trong tỉnh, Công an huyện Phú xuyên, TP. Hà Nội; lãnh đạo, đội trưởng các đội nghiệp vụ Công an huyện; đại biểu lãnh đạo các xã, thị trấn; Bí thư chi bộ, Trưởng các thôn trên địa bàn huyện.

Các đại biểu dự Hội nghị

      Tại Hội nghị, các  đại biểu đã nghe đ.c Vũ Thị Chanh - Uỷ viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện triển khai nội dung của Chỉ thị số 43/CT-HU ngày 27/2/2024 của BTV Huyện ủy về nhiệm vụ thực hiện Đề án. Đồng thời nghe đ.c Đại tá Nguyễn Anh Dũng - Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Công an huyện triển khai Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 7/3/2024 của UBND huyện Kim Động về thực hiện Đề án “Chuyển hoá xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không có ma túy, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện thí điểm chuyển hoá, xây dựng địa bàn huyện Kim Động không có ma túy” năm 2024. Mục đích của việc thực hiện Đề án là nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; phấn đấu năm 2024 giữ vững 6 xã không ma túy đã đạt được năm 2023 gồm: Song Mai, Chính nghĩa, Mai Động, Nhân La, Vũ Xá, Phú Thịnh; đồng thời lựa chọn chuyển hóa thành công 5 xã, thị trấn không có tệ nạn ma túy gồm: thị trấn Lương Bằng, Hiệp Cường, Hùng An, Ngọc Thanh, Thọ Vinh; phấn đấu đến hết năm 2024 có 11/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện không có ma túy, 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy.

       Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện nhà đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện cùng vào cuộc triển khai thực hiện Đề án, trong đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác phòng, chống ma túy, cũng như nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong quá trình thực hiện. Thời gian tới, cùng với tổ chức ký cam kết với 100% đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, chủ hộ gia đình, chủ các cụm công nghiệp, doanh nghiệp, công ty, các cơ sở, hộ kinh doanh có điều kiện về ANTT không bao che, tổ chức, sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; huyện nhà sẽ tập trung rà soát, lập hồ sơ quản lý theo dõi số đối tượng nghiện, nghi nghiện, sau cai nghiện; lập hồ sơ đưa đi kiểm tra, xác định tình trạng nghiện đối với các đối tượng và tập trung đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án, đặc biệt là các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024…

      Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận nhằm cụ thể hóa nội dung và nhiệm vụ ttrọng tâm của Đề án đảm bảo sự thống nhất, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu của Đề án. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Lãnh đạo Công an tỉnh đã đánh giá cao sự quyết tâm trong việc đẩy lùi tệ nạn ma túy của huyện, đồng thời gợi mở thêm một số giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Chuyển hoá xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không có ma túy, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện thí điểm chuyển hoá, xây dựng địa bàn huyện Kim Động không có ma túy” năm 2024. Nhận định tình hình tội phạm tệ nạn ma túy đang có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp và không dễ giải quyết đối với tất cả các nhóm đối tượng, để ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn ma túy vì cuộc sống bình yên của nhân dân và thực hiện hiệu quả đề án phải hỏi cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng của huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền cách nhận biết về tệ nạn ma túy, nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với các tội phạm, tệ nạn ma túy; thống nhất nhận thức, việc chuyển hóa phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, từng gia đình. Tập trung rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện, tổ chức xét nghiệm, quản lý chặt chẽ đối tượng sau cai nghiện bảo đảm đúng quy định. Huyện cần chủ động phối hợp với các địa phương giáp ranh để có cơ chế chia sẻ thông tin về các đối tượng nghiện ma túy và triển khai các biện pháp trấn áp các loại tội phạm về ma túy; kịp thời trao đổi, học tập kinh nghiệm triển khai đề án và có biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh để việc xây dựng chuyển hóa hát địa bàn không có ma túy bảo đảm hiệu quả, vì cuộc sống bình yên của nhân dân...

      Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Phúc – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh, đồng thời ghi nhận các ý kiến tham luận của đại diện các ngành, doanh nghiệp, địa phương để bổ sung vào KH năm 2024. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, kết hợp với thực hiện tốt các chính sách xã hội, phát huy hiệu quả mô hình 4+ về “quản lý, giáo dục, giúp đỡ số người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”; tạo điều kiện hỗ trợ, cảm hóa, giúp đỡ người sau cai nghiện tại địa phương xóa bỏ mặc cảm, tìm việc làm, vay vốn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, không tái nghiện...

            Dưới sự chứng kiến của các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, đại diện lãnh đạo UBND huyện và Chủ tịch UBND 11 xã, thị trấn trên địa bàn đã ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Nguồn: Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh huyện

Tin liên quan