Huyện ủy Kim Động
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 12/07/2018 - Lượt xem: 181
Hợp tác công-tư tại các khu di sản thế giới

(Chinhphu.vn) - Đây là chủ đề được các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi dưới nhiều giác độ trong hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” tổ chức trong 2 ngày 9-10/7, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Một khu di sản thế giới được công nhận thường kéo theo sự quan tâm đặc biệt của công chúng và tạo ra động lực mạnh mẽ cho nhu cầu tham quan di sản. Cùng với đó là sự quan tâm và tham gia của rất nhiều các nhóm khác với những mối quan tâm và lợi ích khác nhau, bao gồm nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đây là câu chuyện chung của rất nhiều di sản. Vì vậy, việc bảo tồn một khu di sản thế giới sau khi được công nhận ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều hơn đối với nhà quản lý, đặc biệt là đối với những cán bộ các khu di sản.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết những năm gần đây Chính phủ đã cùng với khối doanh nghiệp tăng cường đối thoại, hợp tác giữa khu vực công - tư, có thể thấy qua một số ví dụ tại các khu di sản thiên nhiên tại các Di sản thế giới như: Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long. Qua đây cũng cho thấy hợp tác công - tư là một hướng đi đúng đắn.

Qua đó đã góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư tại các khu di sản thiên nhiên tại các Di sản Thế giới. Thông qua hợp tác công - tư đã từng bước triển khai chủ trương xã hội hóa phát triển du lịch, huy động được nguồn lực của doanh nghiệp (Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long).

Bên cạnh đó đã huy động được đội ngũ quản lý, chuyên gia có chất lượng, trong đó có một bộ phận đáng kể người nước ngoài; doanh nghiệp tiếp cận nhanh với trình độ và cách thức quản lý, điều hành tiên tiến của thế giới; học tập và chuyển giao các kỹ năng, phương pháp và phong cách làm việc của người nước ngoài cho người lao động trong doanh nghiệp, từ đó từng bước nâng cao trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.

Cũng từ đó đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch tại các khu Di sản thế giới, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc... đem đến cho du khách nhiều sự lựa chọn và những trải nghiệm thú vị. Góp phần thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương sở hữu di sản.

Nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá hình ảnh Di sản thế giới tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tạo thêm nhiều việc làm cho lao động; góp phần nâng cao đời sống, nâng cao nhận thức về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho người dân địa phương.

Tại hội thảo, ông Micheal Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội và các chuyên gia quốc tế đã  đánh giá cao những nỗ lực Chính phủ Việt Nam trong bảo tồn giá trị của các di sản thế giới, trong đó có Vịnh Hạ Long. Các đại biểu cho rằng, hiện nay, ngoài những giá trị vốn có đối với con người, Di sản thế giới  còn được nhấn mạnh là tài sản quan trọng cho sự phát triển bền vững, gắn trực tiếp với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và sự bền vững của môi trường. Một hướng đi bền vững có thể vừa giải quyết những mối quan tâm chính đáng dành cho phát triển vừa thỏa mãn các yêu cầu, đòi hỏi về bảo tồn  và bảo toàn các giá trị của các di sản thế giới.

Trong tham luận của mình nhóm chuyên gia nghiên cứu Peter Larsen, Phạm Trương Hoàng, Phạm Thị Thanh Hường… nêu quan điểm hợp tác công-tư, phát triển các dự án du lịch tại các khu di sản thế giới cần cân nhắc rất thận trọng tới yếu tố bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, bảo vệ các yếu tố tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới. Không phát triển du lịch bằng mọi cách làm ảnh hưởng tới sự bền vững của di sản; có thể phát triển chậm nhưng chắc.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên bổ sung chủ trương xã hội hóa có thể tập trung ở các khu di sản thiên nhiên. Đối với các địa điểm di tích tại các Di sản văn hóa thế giới thì chỉ nên xã hội hóa, hợp tác công tư các hoạt động dịch vụ và cơ quan quản lý di sản phải giữ vai trò chính.

Tin liên quan