Mặc dù còn gần một học kỳ nữa mới kết thúc năm học nhưng hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Đề án tuyển sinh của phần lớn các trường đại học cơ bản giữ ổn định như năm 2023, chỉ có một số điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường đại học CMC. (Ảnh THÚY QUỲNH)
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 có hơn 660 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển với xấp xỉ 3,4 triệu nguyện vọng đăng ký; trong đó có hơn 494 nghìn thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học ngay đợt 1 trên hệ thống. Tuy nhiên, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa bảo đảm công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống.
Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được lượng thí sinh ảo. Vì vậy, năm 2024, phần lớn các trường đại học giữ ổn định phương thức tuyển sinh và chỉ điều chỉnh, hoàn thiện thêm nhằm tránh gây phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Trong số các trường công bố đề án tuyển sinh năm 2024, Trường đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển 6.200 chỉ tiêu. Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương: Trường cơ bản giữ ổn định tuyển sinh như năm 2023 với ba phương thức xét tuyển.
Trong đó, phương thức xét tuyển thẳng chiếm tỷ lệ 2%, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024 chiếm tỷ lệ 18% và phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm tỷ lệ 80% so với chỉ tiêu. Ngưỡng đầu vào đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến là 20 điểm.
Trong khi phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của từng đối tượng xét tuyển kết hợp, gồm 2 nhóm: Nhóm 1, không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và nhóm 2, sử dụng kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mỗi nhóm đều được trường quy định điều kiện ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ cụ thể khác nhau.
Trường đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển theo mức độ ưu tiên từ cao xuống thấp trong các nguyện vọng thí sinh đã đăng ký; nếu đã trúng tuyển nguyện vọng có ưu tiên cao hơn, thí sinh sẽ không được xét các nguyện vọng có mức độ ưu tiên tiếp theo.
Cơ bản giữ ổn định như những năm trước, nhưng Đại học Đà Nẵng cho biết tùy vào đặc điểm đào tạo của ngành thuộc các trường, đơn vị thành viên mà phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bố chỉ tiêu giữa các phương thức sẽ khác nhau.
Trong đó, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) dự kiến năm 2024 tuyển sinh 3.600 chỉ tiêu và có tới sáu phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh; tuyển sinh riêng theo đề án của cơ sở đào tạo; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập THPT (học bạ); xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; xét kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Trong khi đó, cùng là thành viên Đại học Đà Nẵng nhưng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng chỉ tuyển theo năm phương thức mà không xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Các phương thức tuyển sinh của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét kết quả học tập cấp THPT; xét tuyển thẳng theo đề án của trường; xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ các trường công lập, nhiều trường ngoài công lập cũng sớm công bố đề án tuyển sinh năm 2024 với nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, Trường đại học Phenikaa, năm 2024, tuyển 9.896 chỉ tiêu cho 48 ngành, chương trình đào tạo.
Trường đưa ra bốn phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường 5-10% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 40-60% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT 30-40% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội 5-10% tổng chỉ tiêu.
Trường đại học Phenikaa cũng lưu ý thí sinh trong quá trình triển khai sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế. Trường đại học Phenikaa sẽ tổ chức tuyển sinh nhiều lần/năm, dự kiến xét tuyển sớm đợt 1 từ ngày 1/3 đến 31/5; xét tuyển tất cả các phương thức theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án tuyển sinh năm 2024 không thay đổi ở mặt hệ thống chung nhưng ở mỗi trường thì có thể có sự phân bổ lại hoặc điều chỉnh thêm, bớt một số phương thức xét tuyển hoặc phân bố lại chỉ tiêu cho mỗi phương thức so với năm trước để phù hợp hơn với tình hình thực tế của trường.
Tùy vào sự phân tích, đối sánh dữ liệu về phương thức xét tuyển đầu vào cũng như kết quả học tập của sinh viên qua các năm thì những điều chỉnh là cần thiết đối với từng trường. Các trường nên có kênh thông tin hướng dẫn, hỗ trợ khi thí sinh cần tìm kiếm thông tin và hướng dẫn chi tiết khi các em đến đăng ký tại trường trong các đợt xét tuyển sớm.
Đối với các trường đại học đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao, thì việc thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được, và các em cũng không gặp khó khăn gì khi theo học. Đối với các trường đại học, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, cần có sự đối sánh công bằng và cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp.
Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực hoặc kỳ thi năng khiếu (các trường đào tạo các ngành đặc thù). Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, các trường tuyển sinh dù bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm chất lượng đầu vào của thí sinh đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển…
Nguồn: https://nhandan.vn