Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 kéo dài 7 ngày. Đây là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số người mắc. Cùng với đó, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân vẫn diễn ra thường xuyên.
Bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh, ngành y tế yêu cầu các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch trực Tết, khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh kịp thời.
Bệnh viện Sản – nhi Hưng Yên chuẩn bị thiết bị y tế phục vụ trực Tết
Nằm trên địa bàn có dân số đông, cạnh quốc lộ 5, mỗi kỳ nghỉ tết, ngoài bệnh nhân khám, chữa bệnh thông thường, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc rượu. Để kịp thời cấp cứu, khám, chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác y tế kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Theo đó, lập danh sách đội cấp cứu ngoại viện; danh sách đoàn viên, viên chức bệnh viện tham gia “ngân hàng máu sống” của bệnh viện sẵn sàng phục vụ cấp cứu. Bệnh viện chỉ đạo các khoa lâm sàng thường trực, thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh; dự trù và lĩnh thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện phục vụ khám, điều trị, cấp cứu người bệnh. Khi có người bệnh chuyển tuyến cần liên hệ trước và báo cáo tình trạng người bệnh với nơi cần chuyển bệnh nhân đến. Đồng thời, bệnh viện bảo đảm công tác hậu cần, duy trì hoạt động nhà ăn phục vụ người bệnh; chuẩn bị phương tiện phục vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh…
Bác sĩ Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Với đặc điểm thời tiết mùa đông - xuân, nguy cơ cao dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, trung tâm phân công các ca, kíp trực, thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Tết cũng là thời điểm có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, do đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức các tổ thường trực, sẵn sàng về phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ để tham gia hoạt động điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm trong thời gian nghỉ Tết; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trước, trong và sau Tết.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có 3.824 bệnh nhân đến các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó 1177 bệnh nhân vào nhập viện. Hàng trăm ca phải phẫu thuật, cấp cứu. Để bảo đảm công tác y tế dịp nghỉ Tết năm nay, Sở Y tế yêu cầu, các đơn vị khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch thường trực 24/24h, bảo đảm công tác điều trị, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết; phòng, chống rét cho người bệnh và an ninh, trật tự, phòng, chống cháy, nổ, thảm hoạ trong cơ sở khám, chữa bệnh. Tổ chức thường trực theo 4 cấp trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người bệnh; dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm… Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”...
Nguồn: https://baohungyen.vn